Thiết thực chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18.5), chiều 16.5, tại Hà Nội, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam (Viện VHNTTTDLVN) tổ chức tọa đàm “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo – Động lực phát triển trong kỷ nguyên mới”.
Tham dự tọa đàm có Ban Lãnh đạo Viện: Viện trưởng PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương và các Phó Viện trưởng: TS. Hoàng Thị Bình, TS. Mai Thị Thùy Hương, PGS.TS Phạm Lan Oanh cùng toàn thể cán bộ nghiên cứu, giảng viên, những người làm công tác khoa học và người lao động của Viện ở cả 3 miền (các cán bộ ở miền Trung và miền Nam tham dự theo hình thức trực tuyến).
Sau phần khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương trình bày tham luận Định hướng hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam trong giai đoạn tới, trong đó nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của các nhà khoa học trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Theo đồng chí Viện trưởng, sau khi sáp nhập, Viện VHNTTTDLVN kế thừa không chỉ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các nguồn lực, truyền thống khoa học của cả 3 Viện, mà còn mang theo những trách nhiệm, kỳ vọng lớn lao. Hiện tại, tổng số chương trình, đề án, đề tài nghiên cứu của Viện tính từ năm 2015 trở lại đây, bao gồm cả số liệu kế thừa từ Viện Khoa học thể dục thể thao và Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch gồm: 9 chiến lược, quy hoạch ngành, quốc gia; 9 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia; 76 nhiệm vụ KHCN cấp Bộ, 5 Tiêu chuẩn TCVN; 262 nhiệm vụ theo chức năng cấp cơ sở; 19 dự án CTMTQG cùng nhiều đề tài, dự án phối hợp thực hiện với địa phương, doanh nghiệp, tổ chức khác.
Bên cạnh đó, Viện VHNTTTDLVN còn được Chính phủ và Bộ VHTTDL giao cho thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Xây dựng Chiến lược phát triển Văn hoá đến năm 2030, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hợp phần Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 và Kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá Toàn quốc; Báo cáo chuyên đề chuyên sâu phục vụ Báo Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIV; Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển Văn hoá giai đoạn 2025-2035… Điều này nói lên vị thế của Viện VHNTTTDLVN - không chỉ là một cơ quan khoa học và đào tạo cơ bản mà còn là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước có uy tín, với bề dầy kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai các chính sách, dự án phát triển văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch.
Đối với định hướng hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Viện trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, Viện đã đề ra các mục tiêu như: Củng cố và phát huy những điểm mạnh, lợi thế của Viện để tham mưu, tư vấn cho Bộ VHTTDL trong công tác quản lý nhà nước; từng bước đẩy mạnh các lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn, thử nghiệm, ứng dụng các mô hình công nghiệp văn hóa và nghệ thuật đương đại ở Việt Nam; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, y học trong lĩnh vực thể dục thể thao, lĩnh vực du lịch; nghiên cứu phát triển công nghiệp thể thao, thể thao giải trí, kinh tế thể thao; chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ; tăng cường hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế.
Cùng chia sẻ với quan điểm của đồng chí Viện trưởng, trong tham luận Phát huy thế mạnh liên ngành trong nghiên cứu phát triển du lịch ở Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Anh Tuấn – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cũng đề cập đến vai trò của du lịch với tư cách là một ngành kinh tế tổng hợp, có đóng góp thiết yếu vào nền kinh tế quốc gia và có liên quan tới tất cả các ngành, lĩnh vực liên quan vì đối tượng phục vụ của ngành du lịch là khách du lịch. Do tính liên ngành như vậy nên đối tượng nghiên cứu của ngành du lịch rất rộng, tạo cơ hội lớn cho công tác nghiên cứu khoa học về du lịch và nghiên cứu phục vụ xây dựng chiến lược chính sách của ngành du lịch. Văn hóa và thể thao là những lĩnh vực gắn liền với hoạt động du lịch. Các loại hình du lịch văn hóa, du lịch thể thao, thể thao mạo hiểm, chăm sóc sức khỏe ngày càng phát triển đa dạng để đáp ứng xu hướng và nhu cầu ngày càng phổ biến của khách du lịch. Do vậy, nếu biết gắn kết chặt chẽ và thiết thực cả ba lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trong các công trình nghiên cứu khoa học của Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch thì khối lượng công việc của Viện sẽ ngày càng phong phú, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và dựa vào đó sẽ nâng tầm thương hiệu của Viện trong tương lai.
PGS.TS Trần Tuấn Hiếu - Phó giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ và Y học Thể dục Thể thao
Nêu ý kiến tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Hồng Dương, Trung tâm Khoa học công nghệ và Y học Thể dục Thể thao cũng chia sẻ về vai trò của các nhà khoa học lĩnh vực thể dục thể thao trong việc cải thiện tầm vóc, thể lực và sức khỏe của người Việt đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.
Một số cán bộ nghiên cứu viên, người lao động của Viện VHNTTTDLVN cũng chia sẻ cảm nhận về ý nghĩa, trách nhiệm của bản thân trên chặng đường nghiên cứu trước mắt, làm sao để đóng góp sức mình vào công cuộc phát triển chung của Viện.
Phát biểu tổng kết tọa đàm, TS. Hoàng Thị Bình - Phó Viện trưởng Viện VHNTTTDLVN tin tưởng rằng, với sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể cán bộ Viện ở cả 3 miền, những mục tiêu phát triển văn hóa của Viện trong thời gian tới sẽ được hoàn thành tốt./.
Một số hình ảnh tại buổi Tọa đàm khoa học:
Bài: Anh Tuấn.
Ảnh: AnhTuấn, Lã Lương
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục