Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn – thực trạng và giải pháp”

Ngày đăng: 03/07/2025 Lượt xem: 73
Mặc định Cỡ chữ

Sáng ngày 02/7/2025, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam (VHNTTTDLVN) tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn - thực trạng và giải pháp”. Đây là hoạt động trong thực hiện nhiệm vụ Đề tài khoa học cấp Bộ “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn” do PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ nhiệm.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía các cơ quan, các tổ chức chính trị, xã hội có Ông Lương Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn; TS.NSND Lê Tuấn Cường - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam; NSND Doãn Bằng - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ; Bà Bùi Thị Thanh Huệ - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại; Th.S Lê Đức Anh - Phó Giám đốc Nhà hát múa Rối Việt Nam; ThS.NSƯT Trường Bắc - Phó Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Namcùng các chuyên gia, các nhà khoa học, các nghệ sỹ đến từ các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học, các Nhà hát, công ty về nghệ thuật biểu diễn…

Về phía Viện VHNTTTDLVN có PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng; TS. Hoàng Thị Bình - Phó Viện trưởng; TS. Mai Thị Thùy Hương – Phó Viện trưởng và đông đảo cán bộ đang công tác tại Viện tham dự.

Khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Minh Thu, Trưởng Ban nghiên cứu Nghệ thuật, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam phát biểu, công nghệ 4.0 đã tạo ra sự thay đổi và phát triển nghệ thuật biểu diễn, mở thêm nhiều cơ hội mới cho sáng tạo, sản xuất, phân phối và trải nghiệm nghệ thuật. Sự kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn và công nghệ 4.0 đã tạo nên những sản phẩm và trải nghiệm độc đáo, mang tính tương tác và cá nhân hóa cao mà trước đây khó có thể thực hiện được, đó là không gian biểu diễn như thật; tạo nhiều hiệu ứng sân khấu sống động, cuốn hút mạnh mẽ người xem; giúp nghệ thuật biểu diễn tiếp cận khán giả toàn cầu, vượt qua giới hạn địa lý… Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam hiện nay, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn còn hạn chế do cơ sở vật chất và trang thiết bị âm thanh, ánh sáng lạc hậu hoặc đầu tư không đồng bộ. Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ thuật còn chưa nắm chắc cách vận hành các công nghệ mới; các biên đạo, đạo diễn cũng chưa hiểu rõ tác dụng cũng như phương pháp áp dụng công nghệ vào thực tế biểu diễn… Đây là một số những nguyên nhân chính khiến các chương trình biểu diễn tại Việt Nam chưa thực sự thu hút đông đảo người xem và thị trường công nghiệp nghệ thuật biểu diễn còn chưa đạt được hiệu quả đúng như tiềm năng vốn có.

Do đó, trong khuôn khổ của việc triển khai thực hiện Đề tài khoa học cấp Bộ “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn” do PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ nhiệm, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn – thực trạng và giải pháp” để tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về các vấn đề có liên quan.

Trong bài phát biểu đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam chia sẻ, công nghệ 4.0 đã và đang làm thay đổi các cách nhìn, phương pháp thể hiện, tính hiệu quả và là thành phần vô cùng quan trọng giúp nghệ thuật biểu diễn lan tỏa các giá trị, nâng cấp các sản phẩm để thu hút nhiều hơn nữa khán giả trong mọi môi trường, mọi không gian. Hàng trăm các loại hiệu ứng, phần mềm đã được phát triển từ đơn giản đến phức tạp, để đội ngũ sáng tạo lựa chọn áp dụng trên thực tế. Đi đôi với sự phát triển của công nghệ, các quan điểm, phương pháp dàn dựng đã phải thay đổi một cách nhanh chóng. Nhiều thể loại, hình thức nghệ thuật đã được hưởng lợi và có nhiều triển vọng để phát triển mạnh mẽ không chỉ ở trong nước, mà còn lan tỏa ra nước ngoài.… 

Nhận thức tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào các chương trình nghệ thuật biểu diễn, ngày 03 tháng 03 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 773/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành “Kế hoạch xây dựng “Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 trong xây dựng sản phẩm chủ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch”. Tiếp đó, ngày 12 tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1909/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong đó nêu rõ “đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa”, “phát triển hạ tầng công nghệ đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh, trong dòng chảy của nghệ thuật biểu diễn thế kỷ XXI, kinh nghiệm quốc tế cũng như thực trạng của Việt Nam cho thấy vai trò của công nghệ, tính tương tác giữa diễn viên - khán giả - công nghệ là một vấn đề cấp thiết, cần phải nghiên cứu một cách toàn diện dựa trên các nền tảng các công nghệ mới. Chính vì vậy, để Đề tài Ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đạt chất lượng, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 cho việc phát triển nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay là vô cùng cần thiết để thu thập được thông tin với độ tin cậy và khoa học cao, từ đó có được căn cứ tìm ra các giải pháp hữu hiệu, phù hợp với thực tiễn…  đó là lý do Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn - thực trạng và giải pháp”.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận tâm huyết cùng nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các nghệ sỹ đến từ các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học, các Nhà hát, Công ty về nghệ thuật biểu diễn... Các tham luận tập trung vào 5 nội dung nghiên cứu, thảo luận chính gồm: Cơ sở lý luận và thực tiễn về ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, tầm quan trọng của công nghệ đối với nghệ thuật biểu diễn; Các công nghệ mới ứng dụng vào nghệ thuật biểu diễn đi cùng với những đặc điểm, ưu thế nổi trội, hiệu quả mới của chúng; Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ở một số nước tiêu biểu trên thế giới và bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam; Thực trạng ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam hiện nay; những ưu điểm và hạn chế, cùng nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó; Những giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm nâng cao chất lượng các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong giai đoạn tới.

Một số đại biểu đại diện trình bày tham luận tại Hội thảo:

TS. Phạm Việt Hà, Vụ Khoa học, Công nghệ, Đào tạo và Môi trường trình bày tham luận Ứng dụng công nghệ 4.0 trong biểu diễn nghệ thuật, thực trạng và giải pháp..

Họa sĩ NSND Doãn Bằng, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ với tham luận Ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế sân khấu.

TS. Lê Hải Minh, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam trình bày Ứng dụng công nghệ 4.0 trong biểu diễn nghệ thuật múa ở Việt Nam hiện nay

ThS. Nguyễn Thị Thu Trang, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam: Nghệ thuật biểu diễn thời  chuyển dịch số ở Việt Nam hiện nay (nghiên cứu trường hợp nghệ thuật sân khấu trên không gian mạng).

Và TS. Cao Xuân Ngọc, Đài Tiếng nói Việt Nam với tham luận Công nghệ 4.0 trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn - cần sự đồng bộ.

Tại Hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận, trao đổi về những khó khăn vướng mắc mà hầu hết các đơn vị Nghệ thuật đang gặp phải trong quá trình ứng dụng công nghệ 4.0 cho việc phát triển nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam, đồng thời đóng góp các ý kiến khách quan nhằm giải đáp những thắc mắc, xây dựng các giải pháp hữu hiệu, phù hợp với thực tiễn.

Trong đó, ý kiến của Ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn nhấn mạnh, cần có sự đồng bộ về mọi mặt như đầu tư kinh phí, trang thiết bị, khoa học công nghệ cũng như về đào tạo nhân sự làm công nghệ thông tin tại các đơn vị nghệ thuật biểu diễn. Khoa học công nghệ được đánh giá như một vai trò cất cánh, do đó nhà nước đưa ra các định mức, tiêu chí như thế nào cho phù hợp để đảm bảo vận dụng được ứng dụng khoa học công nghệ cho việc phát triển nghệ thuật biểu diễn, phát huy được giá trị nghệ thuật, đảm bảo an toàn bảo mật thông tin, bản quyền tác giả, tác phẩm mà vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa, hồn cốt của dân tộc, dùng công nghệ làm sâu hơn bản sắc văn hóa dân tộc

TS. NSND Lê Tuấn Cường, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam chia sẻ, công nghệ 4.0, khoa học ứng dụng đã đem đến nhiều lợi ích vô cùng quý giá cho sân khấu truyền thống nói chung, cho sự phát triển văn hóa Việt Nam nói riêng. Để phát huy được giá trị nghệ thuật cũng như giá trị lợi ích mà công nghệ 4.0 mang lại, ông Tuấn Cường đã có những kiến nghị cụ thể: Phải có sự đầu tư đồng bộ trang thiết bị âm thanh ánh sáng, cần nhìn thẳng vào sự việc và phát huy những mặt mạnh, sớm khắc phục những mặt còn yếu của đơn vị, luôn luôn học hỏi và sáng tạo để có thể tạo ra những tác phẩm, kịch bản hay bởi, khán giả là người thày minh bạch, công tâm nhất…

Ông Phùng Đắc Nhẫn, Trưởng Đoàn Xiếc Dân gian Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam thay mặt ThS. NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam góp ý về việc cần tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng, sử dụng các ứng dụng, phần mềm công nghệ hay những chương trình bồi dưỡng tổng hợp cho đội ngũ làm công tác kỹ thuật ở các nhà hát, rạp xiếc... Đồng thời cần có đội ngũ chuyên gia đến tư vấn, hỗ trợ cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, công nghệ, âm thanh ánh sáng… tại các nhà hát, rạp xiếc nhằm đáp ứng các chương trình mới hiện nay…

Đại diện cho khối Doanh nghiệp tham gia Hội thảo, Ông Nguyễn Hoàng, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Công nghệ Công ty Synot Multi Media - Tập đoàn Synot Asean cũng chia sẻ góc nhìn về ứng dụng AI vào nghệ thuật biểu diễn. Theo ông Hoàng, các đơn vị nghệ thuật và các nhà hát tư nhân, các nghệ sỹ biểu diễn độc lập - họ có sự cập nhật nhanh hơn rất nhiều so với các đơn vị nghệ thuật, các tổ chức văn hóa công lập cả về công nghệ lẫn vốn đầu tư cũng như chất lượng nguồn nhân lực, đây chính là sự chênh lệnh giữa công - tư về vấn đề triển khai ứng dụng công nghệ AI, các đơn vị công lập có một số hạn chế hơn… Ông còn đưa ra một số mô hình, kinh nghiệm tham khảo cả trong nước và trên thế giới để ứng dụng công nghệ 4.0 cho phát triển nghệ thuật biểu diễn ở nước ta, đặc biệt là đề xuất các giải pháp, chính sách cụ thể để hợp tác công-tư trên lĩnh vực văn hóa nói chung, nghệ thuật biểu diễn nói riêng đạt hiệu quả; những giải pháp để hoàn thiện và đồng bộ khung khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi triển khai hợp tác công-tư cho nghệ thuật biểu diễn trong thời gian tới. 

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo:

Ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn

Bà Bùi Thị Thanh Huệ - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại

ThS. NSƯT Trường Bắc, Phó Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam

TS. NSND Lê Tuấn Cường, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam


NSƯT Trịnh Mai Nguyên, Trưởng đoàn Kịch đương đại, Nhà hát Kịch Việt Nam

ThS. Nguyễn Thế Toàn, Đại diện Nhà hát Tuổi trẻ

Ông Nguyễn Hoàng, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Công nghệ Công ty Synot Multi Media – Tập đoàn Synot Asean

Thay mặt đơn vị chủ trì là Viện VHNTTTDLVN và nhóm thực hiện Đề tài “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn” do PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ nhiệm, TS. Trần Thị Minh Thu ghi nhận tất cả những đóng góp tâm huyết, khách quan mà các đại biểu đã mang tới Hội thảo - các ý kiến hữu ích về vai trò, tính năng, sự cần thiết của ứng dụng công nghệ 4.0 vào nghệ thuật biểu diễn. Đặc biệt rất nhiều ý kiến đã phân tích, đi sâu vào thực trạng hiện nay trong việc ứng dụng công nghệ 4.0, cho thấy rõ tính cấp thiết của việc đổi mới, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn cũng như nâng tầm chất lượng của các chương trình nghệ thuật nhằm đáp ứng được thị trường công nghiệp văn hóa và trong hội nhập quốc tế. Những ý kiến hữu ích, đề xuất, giải pháp của các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ được Ban tổ chức Hội thảo tổng hợp nhằm đưa ra những định hướng trong thời gian tới, đồng thời trình lãnh đạo Bộ VHTTDL và Thứ trưởng Tạ Quang Đông, chủ nhiệm đề tài này.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam chia sẻ, sau khi lắng nghe các tham luận và ý kiến trao đổi thẳng thắn từ các đại biểu, sau khi nghe những đánh giá tổng hợp đầy đủ và sâu sắc của TS.Trần Thị Minh Thu, xin thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, cảm ơn toàn thể đại biểu đại diện khối công lập, khối tư nhân đã tham dự Hội thảo đông đủ, đây là thước đo cho sự thành công của Hội thảo, thể hiện được tinh thần khoa học, tinh thần phản biện chính sách mang tính xây dựng… Mong rằng toàn thể đại biểu tham dự Hội thảo sẽ luôn đồng hành cùng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao, và Du lịch Việt Nam tại các hoạt động nghiên cứu khoa học trong tương lai.

Tin, ảnh: Lã Lương

Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục